10 năm tới sẽ là 'kỷ nguyên vàng' của ngành fintech tại Đông Nam Á?

Theo một cựu quan chức của "gã khổng lồ" công nghệ Alibaba, ngành công nghệ tài chính (fintech) tại Đông Nam Á hiện tại tương đối giống những gì xảy ra ở Trung Quốc 10 năm trước.

Ông Kenny Man từng là người đứng đầu bộ phận đầu tư nước ngoài tại Alibaba Group Holding vào năm 2009. Sau khi gia nhập tập đoàn Ant Group năm 2015, ông phụ trách đầu tư vào các công ty fintech lớn trong khu vực, gồm GCash của Philippines. Sau đó, ông thành lập 01Fintech vào tháng 6/2022.

Theo ông Kenny Man, nhiều người ở Đông Nam Á vẫn chưa có tài khoản ngân hàng, do đó, còn nhiều dư địa cho việc phát triển mở rộng ngân hàng số và các dịch vụ tài chính khác như thanh toán trực tuyến.

Việc các thị trường tài chính số trên thế giới đã bão hòa cũng khiến giới đầu tư quốc tế tìm đến nhiều thị trường đầu tư giàu tiềm năng.

"Ngành fintech của Trung Quốc đã đạt đến độ chín muồi nhất định, đồng thời đã có một lượng lớn đầu tư và tài trợ đáng kể," ông Kenny Man nói trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei, đồng thời ông cho biết thêm rằng nhiều kỳ lân (startup có giá trị 1 tỷ USD trở lên) đã xuất hiện trong lĩnh vực fintech ở Trung Quốc.

Theo thống kê, tại đất nước tỷ dân, 80% người tiêu dùng sử dụng ví điện tử. Nhưng con số này là dưới 40% ở Philippines, Indonesia và Việt Nam. Do vậy, ông Kenny Man tin rằng Đông Nam Á còn rất nhiều tiềm năng cho fintech.

"Kỷ nguyên vàng của fintech ở Trung Quốc diễn ra từ 2010 đến 2020. Còn tại khu vực Đông Nam Á, khi bạn nhìn vào sự xâm nhập của internet và TMĐT… thì còn rất nhiều dân số chưa được tiếp cận với dịch vụ tài chính - ngân hàng. Do vậy, đây sẽ là thập kỷ của fintech ở Đông Nam Á", cựu quan chức Alibaba nhận định.

Tỷ lệ người dùng ví điện tử tại một số quốc gia.
Tỷ lệ người dùng ví điện tử tại một số quốc gia châu Á.

Tuy nhiên, ông này nhấn mạnh rằng thị trường ở Đông Nam Á có điểm khác với Trung Quốc. Trong khi sự tăng trưởng của fintech tại Trung Quốc được dẫn dắt bởi nền tảng thanh toán Alipay của Ant Group, thì thị trường Đông Nam Á lại bị phân tán nhiều hơn. Nhiều doanh nghiệp fintech vẫn đang cố gắng chiễm lĩnh thị trường. 

Theo CB Insights, đã có 11 kỳ lân fintech tại khu vực Đông Nam Á tính đến cuối tháng 5/2023. Với dân số hơn 670 triệu người và triển vọng tăng trưởng khu vực mạnh, con số này sẽ tăng lên trong những năm tới.

Theo Kenny Man, hiện không nhiều quỹ đầu tư chỉ tập trung vào các công ty fintech Đông Nam Á. Nhiều quỹ cũng quan tâm tới các công ty khởi nghiệp ở Đông Nam Á, nhưng khi việc gây quỹ trở nên khó khăn trong bối cảnh lãi suất toàn cầu tăng, thì các quỹ này cũng chịu nhiều áp lực hơn để xây dựng chiến lược đầu tư độc đáo để đảm bảo thành công.

"Các công ty quan tâm đến fintech ở Đông Nam Á sẽ cần một đối tác có thể hiểu được nhu cầu hoạt động và quy mô đa thị trường, đồng thời cũng quen thuộc với sự phức tạp về quy định từng thị trường và giữa các thị trường với nhau", cựu quan chức Alibaba cho biết.

Sản phẩm Hot